Trở lại (Back)
  Ý tứ khi trò chuyện (-Y)
Hạnh Phúc Gia Ðình Xin bấm vào đây để in trang này ra  
 
Giao tiếp là một nghệ thuật. Xưa nay những người thành công trong lĩnh vực này đều là những người có cung cách ứng xử tinh tế, suy nghĩ chín chắn trước khi trình bày. Một lời đã trót nói ra, khó có thể chữa lại, có khi càng chữa càng tệ hơn.

Khi ta nói chuyện với một người, nhất là khi nói với một nhóm người càng cần phải có ý tứ. Bởi vì câu chuyện của mình có thể vô tình khiến người khác chạnh lòng. Dù không ác ý mà chỉ do quá "vô tư" thì cả hai trường hợp đó, lời nói vẫn có tác hại như nhau. Nghĩa là nỗi đau do nó gây ra không vì do vô tình mà giảm nhẹ đi.

Nói chuyện với một người vừa thi trượt vào đại học, lại khoe mình học giỏi, thừa điểm đỗ vào mấy trường, hỏi họ nên chọn trường nào thì vô tình đã đánh trúng vào chỗ đau người khác. Trong số những người đang nói chuyện với mình có mấy người vừa ở quê ra thành phố. Nếu bạn luôn mồm chê những "nhà quê" là không biết ăn mặc, phát âm toàn giọng địa phương thì chẳng khác nào phỉ báng họ.

Có người cứ "vô tư" chê bai những người đẻ toàn con gái là sinh ra một đàn "vịt giời" nay mai nó bay đi hết thì ngồi "trơ thổ địa", chẳng hề để ý đến người "sinh con một bề" đang ngồi nghe một cách khó chịu. Nhiều trường hợp bô bô nói chuyện làm ăn gặp may mắn, nào xây nhà, mua ôtô, trong khi ngồi cạnh đấy đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chạy vạy từng đồng chữa bệnh cho chồng ốm, con đau. Vì lẽ đó, chuyện của họ thường là vô duyên, nhạt thếch, chẳng ai hưởng ứng hoặc không làm đau đớn người này thì cũng làm mất lòng người nọ.

Các cụ ta có câu "uốn lưỡi bảy lần mới nói", xảy chân xảy tay đỡ được nhưng xảy miệng là không đỡ được. Một lời đã trót nói ra, dù biết là lỡ cũng khó có thể chữa lại, có khi càng chữa càng tệ hơn.

Vì vậy trong khi nói chuyện, ta nên tập thói quen không nói "ồn ào", chợt nghĩ câu gì nói luôn câu ấy mà cần suy nghĩ xem câu nói của mình sẽ có tác dụng với người nghe thế nào? Thao tác tư duy đó nói thì nhiêu khê nhưng thực tế chỉ diễn ra trong mấy giây đồng hồ. Nếu thao tác đó được tập luyện hàng ngày sẽ còn nhanh hơn, đến độ có thể thoải mái như không cần phải suy nghĩ.

Tâm lý phổ biến là khi ta buồn phiền, gặp ai đó cũng có nỗi buồn tương tự thì tự nhiên giữa hai người nảy sinh mối liên hệ cảm thông, gọi là "đồng cảm" như thân thiết, muốn chia sẻ với nhau. Một cô gái bị tai nạn lao động cụt mất một đốt ngón tay út. Khi ở nhà, cô vật vã đau đớn, càng dỗ dành an ủi càng khóc lóc không dứt, vì cảm thấy mình thiệt thòi quá nhiều so với những người lành lặn. Nhưng khi đến bệnh viện, thấy những người cụt chân cụt tay, vỡ đầu, hỏng mắt, những vết thương còn nặng hơn cô rất nhiều, tự nhiên cô lại thấy mình vẫn còn may mắn, nỗi đau như giảm hẳn đi dù chưa được chạy chữa thuốc men gì. Cô cảm thấy như mình được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

Trong khi nói chuyện, ta phải có thao tác quan sát rất nhanh những người xung quanh. Định nói câu gì phải nghĩ trước. Bởi lẽ những câu nói của ta có thể vô tình đụng chạm tới những khiếm khuyết của họ về ngoại hình, chạm tự ái của ai đó vừa gặp phải một thất bại... Trái lại nếu bạn chia sẻ được nỗi buồn đau của người khác, tỏ ra đồng cảm với họ thì những lời nói của bạn rất cần cho họ, bạn trở thành người dễ mến và có duyên.

Nguồn: Thế Giới Phụ Nữ
Ca/đồng dao & thơ Cùng bé ca hát Cùng chơi với bé Hạnh phúc gia đình
Kể chuyện bé nghe Phòng tranh Sổ tay phụ huynh Sức khỏe/dinh dưỡng